Lặng thầm bảo vệ đường ống xăng dầu

 03:28 CH @ Thứ Hai - 28 Tháng Tám, 2023

Nhiều khó khăn, vất vả nhưng bao năm qua, vẫn có những người miệt mài làm việc bằng cả trái tim để bảo đảm cho đường ống xăng dầu được thông suốt.

Đường ống xăng dầu được ví như những "dòng máu đen" - huyết mạch của nền kinh tế. Những người bảo vệ đường ống xăng dầu luôn lặng thầm cống hiến để bảo đảm dòng năng lượng thông suốt.

Ở Hải Dương, nhiệm vụ bảo vệ đường ống xăng dầu được giao cho Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132. 

“Huyết mạch” của nền kinh tế 

Một buổi sáng giữa tháng 8, chúng tôi có dịp theo chị Vũ Thị Thu (sinh năm 1991, ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) đi kiểm tra tuyến đường ống xăng dầu ở gần đường dẫn cầu Hàn. Chị Thu được giao phụ trách gần 5 km đường ống xăng dầu từ thị trấn Nam Sách về xã Minh Tân (cùng huyện Nam Sách). Ngày một lần, chị phải đi kiểm tra các điểm trên hệ thống, riêng các điểm nhạy cảm phải đi thêm một lần nữa. Nhiệm vụ của những người như chị Thu là kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sự cố về đường ống và các hành vi vi phạm quy định khoảng cách an toàn, không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Hệ thống đường ống xăng dầu đòi hỏi mức độ an toàn rất nghiêm ngặt và phải được đặt lên hàng đầu. Do được chôn ngầm dưới lòng đất từ độ sâu 0,8-1 m nên người bảo vệ đường ống xăng dầu phải xác định “tim” đường ống, định vị hành lang an toàn. Theo chị Thu, một trong những điều mà người làm công tác bảo vệ đường ống lo nhất chính là gặp vấn đề sự cố. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm dày dặn, người bảo vệ phải nhanh chóng phát hiện sự cố rò thấm thông qua việc ngửi hơi xăng bốc lên hoặc quan sát nếu ở khu vực có nước sẽ nổi váng. 365 ngày như một, những người bảo vệ phải duy trì tuần tra bất kể nắng mưa, lễ, Tết. 

Anh Đặng Văn Hiệu (sinh năm 1972), Tổ trưởng Tổ bảo vệ TB9 thuộc Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 đã có gần 20 năm trong nghề. Nhắm mắt lại, anh Hiệu cũng có thể hình dung sơ đồ tuyến đường ống do mình phụ trách. Anh Hiệu chia sẻ, không chỉ phải nắm rõ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm dày dặn, người bảo vệ đường ống xăng dầu còn phải phát huy tính độc lập, có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc. Gần gũi với người dân, quan hệ tốt với chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xem có những hoạt động nào có thể tác động đến tuyến đường ống như việc xây dựng công trình, dự án, nạo vét kênh mương… "Mỗi người bảo vệ có nhiệm vụ xây dựng 5 cơ sở quần chúng an ninh phân bổ đều trên tuyến ống phụ trách. Những người này có thể là lãnh đạo thôn, người làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, người dân sinh sống ở gần khu vực tuyến ống. Đội ngũ này hỗ trợ đắc lực, kịp thời nắm bắt tình hình hiện trạng, giúp phát hiện sự cố, bất thường, đồng thời có thể phối hợp huy động phương án “4 tại chỗ” khi xảy ra sự cố phải xử lý", anh Hiệu cho biết.

Người bảo vệ có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm tra để đường ống vận hành an toàn

Hệ thống đường ống dẫn xăng dầu do Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 quản lý trải dài với hơn 130km đi qua các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội và Hà Nam. Đường ống này qua nhiều địa hình khá phức tạp như sông hồ, ao ngòi, xuyên qua làng mạc, khu đô thị…

Theo anh Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1972), Đội trưởng Đội bảo vệ thuộc Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132, trong các phương thức vận tải phổ biến hiện nay là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường ống thì phương thức vận chuyển xăng dầu bằng đường ống chiếm ưu thế tuyệt đối. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy mà tính ưu việt lớn nhất chính là dự trữ. Nếu như các kho bể hết xăng dầu thì lượng xăng dầu trong đường ống có thể duy trì từ 5-10 ngày. Định kỳ hằng năm, Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 đều tiến hành kiểm tra, đánh giá kỹ thuật tuyến ống. Trong đó tập trung kiểm tra độ sâu chôn ống, chiều dày, lớp bọc, hệ thống chống ăn mòn điện hóa…

Hiện nay, Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 đã thực hiện quy trình hiện đại hóa hoạt động tuần tra, bảo vệ bằng ứng dụng chuyên biệt trong giám sát SmartGuard. Qua đó, công việc tuần tra, bảo vệ các ống xăng dầu được diễn ra liền mạch, trơn tru. Mọi số liệu từ các hệ thống đường ống được cập nhật liên tục. Hằng năm, Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 phối hợp ký hợp đồng trách nhiệm bảo vệ an toàn đường ống xăng dầu đi qua địa bàn. Đồng thời, lực lượng bảo vệ tuyến đường ống đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu. 

Kỷ niệm nhớ mãi

Anh Nguyễn Văn Tài cho biết khi có yêu cầu, trong vòng 15 phút, người bảo vệ phải có mặt trên tuyến, phản ứng nhanh trong thời gian ngắn. Không chỉ đảm nhiệm công việc ở đoạn tuyến mình phụ trách mà họ còn hỗ trợ, gánh vác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tuyến khi có yêu cầu phối hợp. Hiện có 26 người làm nhiệm vụ bảo vệ đường ống, trung bình mỗi người phụ trách hơn 5 km.


Cán bộ bảo vệ đường ống của Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 trao thư ngỏ cho người dân, vận động họ cùng bảo vệ công trình xăng dầu (ảnh cơ sở cung cấp)

Trong quá trình làm nghề, anh Tài đã trải qua không biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Anh Tài kể, khoảng thời gian trước năm 1993, người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đường ống xăng dầu, một số người vì hám lợi nên đã khoan, đục đường ống để lấy xăng dầu về sử dụng. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đường ống. Đã có lúc giữa đêm, anh Tài phải bơi vượt sông để kiểm tra các nốt khoan đục trên đường ống. Từ năm 1993, Chính phủ ban hành các nghị định về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu đã tạo hành lang pháp lý, tăng tính răn đe đối với hành vi phá hoại đường ống xăng dầu, quy định chặt chẽ về trách nhiệm trong công tác bảo vệ đường ống xăng dầu. Qua những buổi tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương nơi có đường ống xăng dầu đi qua, những lần người bảo vệ đường ống làm công tác dân vận, những thư ngỏ được gửi trực tiếp đến tay các chủ tàu bè neo đậu trên sông… người dân đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đường ống xăng dầu và họ hiểu phải có trách nhiệm chung tay bảo vệ công trình nhà nước đặc thù này.

Có những khi đường ống gặp vấn đề, anh Tài cùng đồng nghiệp phải xử lý thông trưa. Giữa cánh đồng vắng, không hàng quán, điều khiến anh bất ngờ và xúc động chính là được người dân mang cơm, nước uống đến tiếp sức. Có lần, anh và đồng nghiệp cảm thấy gần như kiệt sức vì mệt mỏi khi thực hiện nhiệm vụ giữa cánh đồng thì một bác nông dân đang chăm sóc ruộng dưa hấu gần đó đã cắt dưa mời hai người. Đối với anh Tài, đó là miếng dưa hấu ngọt nhất vì chứa đựng tình cảm, gắn bó và thấu hiểu của người dân. Những câu chuyện, kỷ niệm ấy chính là động lực giúp anh Tài và nhiều đồng nghiệp vượt qua những khó khăn, vất vả, thêm yêu và gắn bó với công việc đầy ý nghĩa nhưng không kém phần vất vả này.

7 năm làm nghề, chị Thu vẫn nhớ mãi sự cố thấm cổ van ở nhà van Hv51 vài năm trước. Nhà van được đặt tại các điểm vượt sông và các điểm giao cắt khi cần thiết, để khi có sự cố hoặc bảo dưỡng định kỳ có thể đóng, mở van trong quá trình vận hành, bơm chuyển hàng hóa. Trong khi tuần tuyến, chị Thu đã phát hiện khu vực nhà van có vết xăng dầu thấm trên đất, sau đó chị đã báo cáo ngay lên Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132. Xí nghiệp đã cử đội ngũ kỹ thuật xuống xử lý. Công tác khoanh vùng nhanh chóng được thực hiện để tránh người dân xâm nhập có thể xảy ra các nguy cơ cháy nổ. Việc vận hành bơm được tạm dừng để hút hết xăng dầu trong đoạn ống, sau đó ống được cắt ra để hàn và đấu nối. Công việc được xử lý liên tục từ 10 giờ sáng đến hết đêm mới xong.

Chị Thu cho biết một trong những điều khiến chị vui nhất chính là việc người dân chủ động trao đổi, trò chuyện, nhờ tư vấn xem một số việc như trồng cây, mở rộng khu vực sản xuất, xây dựng công trình… để không vi phạm vào hành lang an toàn của đường ống xăng dầu. Người dân đã kịp thời báo tin cho chúng tôi nhiều hiện tượng làm công trình xâm lấn hành lang bảo vệ an toàn đường ống để kịp thời giải quyết khắc phục. "Đôi khi chỉ thấy bóng dáng thôi, những cô, bác nông dân đã hỏi: Cô Thu xăng dầu đấy à? Những niềm vui ấy dù nhỏ nhưng trở thành nguồn động viên chúng tôi để không quản nắng nôi, mưa bão, đêm hôm thực hiện tốt nhiệm vụ”.  

Nguồn:  Huyền Trang  -  Phóng viên Báo Hải Dương
baohaiduong.vn