Để dòng xăng dầu mãi chảy

 05:03 CH @ Thứ Năm - 22 Tháng Năm, 2014

Dưới những vách núi, ao hồ, đầm lầy, lòng sông và bãi biển, hàng ngày vẫn có một dòng chảy mang sinh khí, hơi thở của cả nền kinh tế. Dòng chảy kéo dài hơn nửa ngàn cây số trải qua nhiểu tỉnh thành phố tưởng như bất tận.

Dòng chảy bất tận

Anh Đoàn Trung Khiển – Đội phó Đội bảo vệ thuộc Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130 (Công ty Xăng dầu B12) dẫn chúng tôi vượt qua dãy núi đá vôi, dừng lại trên vách đá, anh chỉ tay xuống dưới và giới thiệu cho chúng tôi về tuyến đường ống xăng dầu B12: “Dưới chân chúng ta đang bước là hàng trăm ki-lô-mét đường ống dẫn xăng dầu của Công ty chúng tôi”. Hướng cánh tay về phía xa xa anh Khiển xởi lởi: "Đây là huyết mạch của nền kinh tế Đất nước đấy nhà báo ạ".

Hành lang an toàn của đường ống xăng dầu

Theo lời anh Khiển kể, công trình tuyến đường ống dẫn xăng dầu của Công ty Xăng dầu B12 hiện nay được khai sinh từ năm 1968 nhưng trải qua thi công, với sự viện trợ giúp đỡ của Liên Xô, đến năm 1973 tuyến ống và các công trình xăng dầu gắn liền với tuyến đường ống mới bắt đầu được vận hành. Đây cũng là tuyến đường ống xăng dầu đầu tiên và duy nhất cho đến nay xây dựng tại Việt Nam. Lúc đầu, tuyến đường ống được xây dựng nhằm vận chuyển xăng dầu phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, công trình đường ống dẫn xăng dầu B12 từng bước được nâng cấp cùng với hệ thống kho bể để phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho hầu hết các tỉnh ở miền Bắc.

Hệ thống tuyến đường ống xăng dầu B12 dài hơn 500 km đi qua 6 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.

Tuyến đường ống bắt đầu từ Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh là nơi có Cảng dầu B12, cảng đầu mối tiếp nhận xăng dầu lớn nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ở miền Bắc, cùng với hệ thống kho bể với sức chứa khoảng 377.200 m3. Hàng năm từ đây tiếp nhận hơn 4 triệu m3 tấn xăng dầu các loại để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng các tỉnh miền duyên hải, đồng bằng, trung du và miền núi phía bắc.

Dẫn chúng tôi đi trên một bờ đê đầy lau sậy, chốc chốc, anh Khiển dừng lại giới thiệu. Anh vẽ tay trên không khí hình dung những nơi đường ống xăng dầu đi qua. Trong lời nói và cử chỉ của anh ẩn chứa niềm tự hào của một cán bộ ngành xăng dầu đối với “huyết mạch của nền kinh tế”. Ánh mắt anh đôi khi nhìn về xa xăm hình dung đường đi của "đường huyết mạch đó" kéo dài liên miên tưởng chừng bất tận. Chạy từ tỉnh này qua tỉnh khác, qua núi, khe suối rồi lại vắt qua sông, ao hồ, đầm lầy, và xuyên qua bãi biển, qua làng mạc, tuyến đường ống ẩn sâu trong lòng đất Mẹ chứa đựng sức sống mãnh liệt của cả một nền kinh tế.

Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K132 (Công ty Xăng dầu B12) trực tiếp quản lý tuyến đường ống xăng dầu dài hơn 100 km đi qua 4 tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và thành phố Hà Nội.

Và tôi hình dung nếu không có tuyến đường ống xăng dầu này ta phải mất bao nhiêu phương tiện vận tải xăng dầu từ Cảng dầu B12 (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh), để cung ứng cho các tỉnh miền Bắc? Và vấn đề đảm bảo an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ và an toàn giao thông được đặt ra sẽ như thế nào?

Những “người lính” thầm lặng

Anh Đoàn Trung Khiển đã có đến hơn 20 năm gắn bó với tuyến đường ống xăng dầu B12. Tưởng chừng như nhắm mắt anh cũng có thể hình dung ra vị trí cũng như từng đoạn nối dọc đường ống. Anh nói: Người quản lý khai thác các công trình xăng dầu phải có sự tĩnh tâm, trầm lặng mới sống được cùng với nó. Nghề xăng dầu luôn phải đặt an toàn lên hàng đầu.

Loại hình vận tải đường ống cũng có các tính đặc thù, không giống bất cứ một loại hình vận tải nào: Phương tiện vận tải đứng yên còn hàng hóa lại di chuyển. Phương tiện vận tải nằm tĩnh tại theo chiều dài vận động của hàng hóa, được chôn sâu dưới lòng đất (từ 0,8m đến 1m), đi qua nhiều địa hình phức tạp, chịu nhiều tác động xâm hại từ môi trường tự nhiên và con người nên việc quản lý hàng hóa và phương tiện vận tải cũng vì thế mà có rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Một chuyên gia đã tính toán, nếu đường ống này bị trục trặc kỹ thuật, xăng dầu phải vận chuyển bằng tàu xe. Với 5.000m3 xăng dầu mỗi ngày, phải huy động gần 300 xe xi-téc dung tích 17-18 m3/xe mới vận chuyển hết. Với việc huy động một lượng xe lớn chở xăng dầu tham gia lưu thông từ Cảng dầu B12 đi Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, …., chưa nói đến chuyện tiêu tốn kinh phí vận chuyển mà các xe này sẽ góp phần gây ùn tắc giao thông, rủi ro tai nạn và cháy nổ trên đường. Do vậy, trong 5 phương thức vận tải phổ biến hiện nay là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường ống thì phương thức vận chuyển xăng, dầu trên đất liền bằng đường ống vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối.

Anh Khiển cho hay, một trong những khó khăn mà công trình đường ống xăng dầu đang phải đối mặt là tình trạng các công trình dân sinh xây dựng vi phạm hành bảo vệ an toàn tuyến đường ống xăng dầu diễn biến rất phức tạp. Ngày xưa khi xây dựng, dọc tuyến đường ống dân cư thưa thớt, công tác bảo vệ đỡ vất vả hơn. Bây giờ, tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, người dân làm nhà xâm lấn hành lang bảo vệ tuyến ống phát sinh nhiều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Từ năm 1993 trở lại đây Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị định quy định về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu; những Nghị định này đã quy định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào công tác bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu.

Hàng năm đơn vị chủ quản và địa phương đã ký hợp đồng trách nhiệm bảo vệ an toàn đường ống xăng dầu đi qua địa bàn. Đồng thời, lực lượng bảo vệ tuyến đường ống đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu. Ngoài ra lực lượng bảo vệ ở các tuyến đường ống đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bảo vệ các xã tăng cường công tác kiểm tra an toàn tuyến ống. Định kỳ hàng quý, sáu tháng và từng năm các đơn vị cùng với địa phương tổ chức hội nghị, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện và bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống.

"Những lúc gặp trường hợp lấn chiếm, xâm phạm hành lang an toàn tuyến ống là cả một thử thách. Đơn vị phải cử cán bộ cùng với cán bộ địa phương đến tận nơi vận động, giải thích với người dân. Người nào thuần tính còn đỡ. Gặp người ngang, đến là khổ - Anh Khiển tâm sự.

Rủi ro có thể xuất hiện mỗi khi có sự cố dò thấm. Nếu không kịp thời khắc phục có thể sẽ xẩy ra hậu quả khôn lường. Anh Khiển chia sẻ: “các đơn vị bảo vệ như chúng tôi phải thường xuyên kết hợp với lực lượng chính quyền địa phương đi tuần tra dọc tuyến đường ống. Đơn vị chúng tôi phân ra mỗi chiến sỹ bảo vệ đảm nhiệm 4-5 cây số” đường ống. Trên các cột mốc số đều in số điện thoại của đơn vị chủ quản để khi cần thiết người dân có thể gọi ngay. Đơn vị cũng thường xuyên phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống sự cố đường ống xăng dầu cho lực lượng bảo vệ và CBCNV.

Lực lượng bảo vệ ở các tuyến đường ống B12 luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bảo vệ ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn tuyến ống

"Nói gì thì nói, qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, bà con hiểu chúng tôi hơn, chính người dân cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc bảo vệ tuyến đường ống. Người dân đã kịp thời báo tin cho chúng tôi rất nhiều hiện tượng làm công trình xâm lấn hành lang bảo vệ an toàn đường ống để kịp thời giải quyết khắc phục. Đó chính là điều động viên chúng tôi nhiều nhất, khi nắng mưa vất vả làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường ống xăng dầu”.

Từ khi đưa tuyến đường ống vào khai thác sử dụng đến nay đã hơn 40 năm. Ngày nay, dù không đối mặt với bom đạn như thời chiến tranh, nhưng với vai trò như một dòng máu cung cấp sinh khí cho cả một nền kinh tế ở miền Bắc thời hiện đại, lãnh đạo và cán bộ Công ty Xăng dầu B12 ngày đêm cố gắng vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Người tiêu dùng trên địa bàn Công ty quản lý chưa bao giờ phải lo lắng vì thiếu xăng dầu, kể cả ngay những ngày bão lụt, thiên tai. Do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nước ta liên tục tăng lên từ năm 2006, Petrolimex Quảng Ninh đã triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống Cảng tiếp nhận kho bể chứa và tuyến ống B12. Việc nâng cấp tuyến ống xăng dầu B-T đã được hoàng thành, chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ Quý I năm 2012. Hệ thống xuất nhập xăng dầu cũng được trang bị hệ thống tự động hóa hiện đại bằng máy móc công nghệ, nâng cao năng suất tiếp nhận bơm chuyển đảm bảo nguồn; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (giảm tiếp xúc trực tiếp của người lao động đối với xăng dầu). Tuyến ống với đường kính từ 159 mm đã tăng lên 219 mm, 323 mm và 406 mm cùng với hệ thống máy bơm chính đã nâng cao năng lực tăng gấp 3 lần công suất tiếp nhận vận chuyển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Petrolimex Quảng Ninh đang ở độ sung sức với cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực và tốc độ tăng trưởng sản xuất - kinh doanh cao. Để có được cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng lưới phân phối, uy tín thương hiệu và bản sắc văn hóa doanh nghiệp như ngày hôm nay là sự đóng góp bao công sức, mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ cán bộ công nhân viên lao động Công ty để dòng xăng dầu chảy mãi.

Nguồn:  Thúy Hà  -  Phóng viên
Tạp chí Công thương