Đi thực tế tại B12 về, cầm bút viết bài này, trong đầu tôi cứ văng vẳng câu thơ bất hủ của Nhà thơ Tố Hữu “Ai vô đó với đồng bào đồng chí/nói với nửa Việt Nam yêu quý/rằng nước ta là của chúng ta/…chúng ta con một cha nhà một nóc/thịt với xương tim óc dính liền”.
Tuyến ống B12 cũng vậy. Kho cảng - khu bể chứa với các trạm bơm trung chuyển - tuyến ống là một tổng thể liên hoàn của một tầm nhìn chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng cho cả khu vực rộng lớn phía Bắc. Chúng là một cơ thể sống, là huyết mạch của đất nước, không thể cắt chia!
Toàn cảnh Công ty Xăng dầu B12
Tầm nhìn lịch sử
Nếu có một công trình xăng dầu nào được quan tâm, nâng cấp nhiều lần nhất, thì chắc chắn đó phải là tuyến đường ống xăng dầu khởi đầu từ Kho cảng B12 Quảng Ninh.
Tuyến đường ống này được khởi công năm 1968 và sau 5 năm tích cực thi công với sự hỗ trợ trực tiếp của chuyên gia Liên Xô (trước đây) mới có thể đưa vào sử dụng năm 1973. Thiết bị toàn bộ và công nghệ của công trình do Liên Xô cung cấp.
Đây là tuyến đường ống đầu tiên và duy nhất cho đến nay được xây dựng ở nước ta nhằm vận chuyển xăng dầu phục vụ kháng chiến chống Mỹ cũng như xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc lúc bấy giờ. Công suất thiết kế ban đầu là tiếp nhận, bơm chuyển tối đa 1 triệu m3/năm.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tháng 4/1975, chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng, tuyến ống B12 tiếp tục phát huy vai trò lịch sử đặc biệt của mình trong giai đoạn mới với nhu cầu ngày càng tăng và tính hiệu quả kinh tế của loại hình vận chuyển xăng dầu tiên tiến này.
Năm 2000, nhu cầu xăng dầu phía Bắc đã đạt 3 triệu tấn/năm. Tất cả đều trông mong vào tuyến ống này bởi cảng Hải Phòng bị bồi lắp chỉ có thể tiếp nhận tàu 1-2 nghìn tấn.
Sứ mệnh với đất nước
Với sứ mệnh bảo đảm đủ xăng dầu cho đất nước trong mọi tình huống khi dự trữ quốc gia của chúng ta về xăng dầu là rất mỏng so với thế giới, chiến lược đầu tư nâng cấp hệ thống tuyến ống cả về quy mô lẫn tính khoa học hiện đại để nâng cao năng lực vận chuyển xăng dầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và B12 triển khai theo lộ trình với nhiều dự án thành phần quan trọng, với một yêu cầu khắt khe là không được làm gián đoạn công tác bảo đảm nguồn xăng dầu từ Quảng Ninh.
Với chiến lược đó, nhiều công sức trí tuệ và nguồn lực kinh tế đã được Petrolimex mà trực tiếp là B12 tập trung triển khai không kể ngày đêm. Kết quả là Cảng dầu B12 đạt năng lực tiếp nhận tàu dầu trọng tải tới 40.000 DWT một cách an toàn xét về mọi phương diện (PCCC & an toàn vệ sinh môi trường) với thời gian “làm hàng”/“tàu chờ” ngắn nhất.
Đồng bộ với cảng B12; các kho xăng dầu trên tuyến như K130, K131, kho Hải Dương (kể cả kho của các công ty tuyến sau) cũng được mở rộng và hiện đại hóa; ống dẫn dầu ngầm sâu dưới lòng đất cũng đã được nâng cấp từ 159 mm (đường kính) lên 219 mm, 323 mm và 406 mm; hệ thống máy bơm chính được thay thế bằng loại công suất lớn hơn; các công nghệ mái phao, tự động hóa đã được áp dụng.
Nhờ đó, đến nay Công ty Xăng dầu B12 đã có một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại & đồng bộ, bao gồm: Cảng dầu tiếp nhận được tầu đến 40.000 DWT, mỗi năm có khả năng tiếp nhận hơn 4 triệu m3 xăng dầu các loại, 5 kho xăng dầu với sức chứa gần 400 nghìn m3, tuyến đường ống kết nối các công trình nói trên với chiều dài gần 600 km đi qua 6 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.
Tính ưu việt B12
Bộ 3 hệ thống Tuyến đường ống - Kho bể chứa - Cảng dầu luôn phát huy tính hiệu quả cao về kinh tế, bảo đảm an toàn môi trường và phòng chống cháy nổ. Vai trò vị trí của tuyến ống trong nền kinh tế quốc dân ngày càng được khẳng định; Chính phủ, các bộ ban ngành và tỉnh Quảng Ninh đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao.
Tầm quan trọng không thể không nhắc đến của tuyến đường ống xăng dầu B12 là:
Thứ nhất, đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong mọi tình huống.
Thứ hai, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cho hầu hết các tỉnh, thành phố vùng duyên hải, đồng bằng trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ ba, thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia theo các mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước.
Điểm đặc biệt nhất của tuyến ống đó là: Đây là phương thức vận chuyển xăng dầu tối ưu xét về mọi phương diện.
So với vận tải xăng dầu bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt; vận chuyển xăng dầu bằng đường ống còn mang lại hiệu quả nhiều mặt cho xã hội như an toàn, giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, chống ùn tắc khi tốc độ gia tăng các loại phương tiện này luôn vượt trước tốc độ đầu tư vào đường sá hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn, mật độ dân cư đông.
Theo tính toán chuyên môn, nếu giả sử đường ống bị trục trặc kỹ thuật, phải vận tải bằng ô-tô thì 5.000 m3 xăng dầu cần chuyên chở mỗi ngày phải huy động tới 300 xe téc loại dung tích phổ thông 17-18 m3/xe mới vận tải hết.
Việc huy động một lượng xe lớn như vậy từ Quảng Ninh đi Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam,... sẽ gây nên ùn tắc giao thông là điều chắc chắn, chưa kể đến các rủi ro có thể xảy ra khi lưu thông đường bộ thì hậu quả là vô cùng lớn đối với con người, tài sản và môi trường.
So sánh và giả định như vậy để thấy tính hiệu quả và vai trò không thể thay thế, không thể chia cắt của tuyến ống xăng dầu B12.
Nếu không có tuyến đường ống xăng dầu này ta phải mất bao nhiêu phương tiện vận tải xăng dầu từ Cảng dầu B12 (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) để cung ứng cho các tỉnh miền Bắc? Và vấn đề đảm bảo an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ và an toàn giao thông được đặt ra sẽ như thế nào?
Nhìn ra thế giới
Trên thế giới, phần lớn các nước có điều kiện đều có tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu do tính hiệu quả, ưu thế tuyệt đối của nó so với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy như đã nói ở trên.
Hoa Kỳ có hơn 4 triệu km đường ống, mỗi năm vận chuyển an toàn 14 tỷ thùng (Barel = 159 lít), số liệu 2016. Theo đánh giá của Bộ Thương mại nước này, tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu là phương thức an toàn nhất, hữu dụng nhất trong các phương thức vận chuyển các loại hóa chất lỏng nguy hiểm.
Với Trung Quốc, cứ 2 giây lại có một người mua xe ô tô mới. Mỗi năm quốc gia này sẽ có thêm 21 triệu đầu xe đưa vào sử dụng từ xe hơi, xe tải đến xe buýt. Vì thế, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày của Trung Quốc lên tới 12 triệu thùng. Với địa hình rộng lớn và lượng tiêu thụ xăng dầu tăng lên nhanh chóng, nước này đặc biệt quan tâm đến xây dựng tuyến ống vận chuyển xăng dầu. Hiện tuyến ống này đảm nhận 58% tổng sản lượng luân chuyển xăng dầu, tăng mạnh so với 42% cách đây 10 năm.
Điều đó cho thấy xu hướng và hiệu quả kinh tế, môi trường và độ an toàn của phương thức vận chuyển xăng dầu bằng đường ống.
Không thể cắt chia
Với hệ thống cơ sở vật chất xăng dầu hùng hậu của Công ty Xăng dầu B12, ai đã một lần đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng và nể phục bởi quy mô, tầm vóc, tính hiện đại của bộ 3 hợp phần cấu thành một chỉnh thể quan trọng của tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu độc nhất vô nhị của nước Việt Nam ta.
Ở đó, dưới màu xanh cây trái là những người công nhân áo xanh với các thiết bị công nghệ hiện đại tự động và bán tự động; họ đang làm việc cần mẫn miệt mài thầm lặng như những giọt xăng tràn trề nhiệt huyết với tình yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương đất nước Việt Nam.
Tuyến đường ống này là không thể cắt chia. Nó là một phần máu thịt của an ninh năng lượng Việt Nam hiện nay và cho mai sau.