Sau khi đăng bài 4.0 ở PLX, Tạp chí Công Thương đã đi thực tế tại Công ty Xăng dầu B12 (Petrolimex Quảng Ninh). Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty - một người luôn tìm cách nói đơn giản cho dễ hiểu - Ông khẳng định luôn: Công nghệ đem lại hiệu quả thiết thực cho B12.
B12 ngày nay
Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Xăng dầu B12 đã đầu tư xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ & hiện đại, bao gồm: Cảng dầu tiếp nhận được tàu đến 40.000 DWT, mỗi năm tiếp nhận hơn 4 triệu m3 xăng dầu các loại; 5 kho xăng dầu với sức chứa gần 400 nghìn m3 được nối liên hoàn với gần 600km đường ống xăng dầu đi qua 6 tỉnh/thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội) và 120 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên.
Hệ thống cơ sở vật chất đó giúp cho B12 hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng đó là: Đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cho hầu hết các tỉnh, thành phố vùng duyên hải, đồng bằng trung du và miền núi phía Bắc, dự trữ xăng dầu quốc gia. Nhưng quản trị điều hành hệ thống cơ sở vật chất đa dạng và trải dài trên nhiều địa phương đó, cũng là một bài toán khá hóc búa của B12.
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, B12 luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý điều hành. CNTT không những làm đổi mới cách thức quản trị, mà còn hỗ trợ cho việc phân cấp, phân quyền - một trong những công cụ được xem là hữu hiệu nhất để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nói một cách nôm na để dễ hình dung, ông Nguyễn Đồng cho biết: Công ty có kho, có cảng, có tuyến đường ống, có xí nghiệp bán lẻ… Muốn quản lý cái hệ thống ấy, muốn phân cấp từng phần việc trong hệ thống ấy, thì cấp quản lý cao nhất phải biết trong những cái “túi” của mình có cái gì, đang ở đâu? đang vận động thế nào?.. Tất cả những ứng dụng khoa học công nghệ hay phát triển phần mềm chỉ để nhằm vào cái “biết” này và vận hành nó một cách tối ưu.
Khi chúng tôi lên Phòng điều độ trung tâm B12, cái “túi” của Công ty hiển thị rành mạch trên 3 màn hình. Một nhân viên đang trực ca tên là Tuấn giới thiệu: Màn hình thứ nhất là hệ thống đo mức tự động để báo một cách kịp thời & chính xác số liệu hàng hóa tại các kho, màn hình thứ 2 theo dõi việc bơm hàng trên tuyến ống, màn hình thứ 3 theo dõi xuất hàng tại các bến xuất của Công ty.
Người ngoại ngạch như chúng tôi, nhìn trên màn hình cũng biết được Kho K131 ở Hải Phòng đang xuất với lưu tốc 119 m3/h và đang nhập ở lưu tốc 138 m3/h. Màn hình bên cạnh con số nhảy liên tục báo từng lít xăng dầu đang xuất ra xe téc, xà lan, tàu biển. Nhìn những con số biến động liên tục chúng tôi cũng thấy chóng cả mặt. Nhưng chúng tôi hiểu rằng những con số đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những người lãnh đạo của Công ty.
Trái tim & bộ não B12
Đến thăm Kho K130 - trái tim của B12 và nguồn xăng dầu miền Bắc, anh Nguyễn Đình San đang trong ca trực cho biết, trước kia công nhân phải lao động thủ công. Nhưng hiện giờ, nhờ có CNTT toàn bộ hệ thống đều được điều khiển tự động, chỉ cần ở Phòng điều độ trung tâm điều hành trên máy vi tính.
Toàn bộ các thông số của bể chứa như: chiều cao mức chất lỏng, nhiệt độ, thể tích chất lỏng, trạng thái xuất, nhập đều được hiển thị trên màn hình. Số liệu đó cũng được hiển thị tại màn hình thiết bị đo tại chân mỗi bể chứa xăng dầu.
Điểm rất khác biệt là trước kia, công nhân phải trèo lên bể chứa để kiểm tra, tức là việc kiểm soát chỉ diễn ra có mấy lần trong ngày, nay thì việc kiểm soát diễn ra 24/24h.
Hơn thế nữa, theo anh San, trước kia nếu gặp sự cố, xử lý thủ công, có khi kéo dài tới 8h, thậm chí một ngày làm việc, nay với hệ thống đo mức tự động, việc xảy ra sự cố gần như không có, vì khi một thông số tiến gần ngưỡng nguy hiểm thì hệ thống đã tự ngắt để đảm bảo an toàn.
Cho đến nay, Công ty Xăng dầu B12 đã xây dựng cho mình một bộ hệ thống tự động, bao gồm: Hệ thống tự động hóa xuất hàng đường thủy; Hệ thống tự động hóa xuất hàng đường bộ; Hệ thống đo mức tự động; Hệ thống báo lẫn tự động; Hệ thống tự động hóa trạm bơm chính; Hệ thống tự động kiểm soát bơm tuyến (lưu lượng kế tuyến); Hệ thống cảnh báo tràn bể; Hệ thống camera quan sát, bảo vệ. Và đặc biệt Công ty đã tổng hòa các hệ thống tự động hóa đó thành Hệ thống điều độ hàng hóa trung tâm và có thể coi là “bộ não” của Công ty.
Cùng với đó, Công ty B12 cũng là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khi triển khai thành công phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý mạng lưới cửa hàng bán lẻ (EGAS).
ERP & EGAS là công nghệ sử dụng các thiết bị, phần mềm, máy tính và mạng để kết nối các máy bơm, kho bể, cửa hàng, các máy tính để hình thành nên số liệu phục vụ công tác quản trị điều hành đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó, B12 còn quản lý phần mền quản lý chất lượng hàng hóa, phần mềm quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật toàn Công ty.
Qua tìm hiểu tại Tập đoàn mặc dù là Công ty có nhiều đơn vị thành viên nhưng báo cáo quyết toán tài chính của Công ty luôn là đơn vị hoàn thành sớn nhất có thể đánh giá năng lực làm chủ công nghệ của cán bộ nhân viên của Công ty.
4.0, IoT, IoS đem lại hiệu quả thiết thực
Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp ở Công ty Xăng dầu B12 chính là IoT (kết nối vạn vật), là IoS (kết nối dịch vụ), là những đặc trưng cơ bản của nền công nghiệp 4.0.
Nói kết nối vạn vật, hay kết nối dịch vụ có vẻ như “chuyên ngành” quá, nên ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty luôn tìm cách nói đơn giản hơn. Ông bảo, xuyên suốt mấy chục năm, các thế hệ lãnh đạo, công nhân Xăng dầu B12 đưa CNTT vào quản trị doanh nghiệp là để đáp ứng cho công tác quản lý bao gồm từ quản lý về hàng hóa, quản lý về chất lượng, quản lý về tài sản, quản lý về con người và quản lý về tiền. Khi đã nắm được những gì trong cái “túi” của mình thì mới vận hành Công ty hiệu quả nhất.
Và nắm được rồi mới có thể phân cấp, phân quyền theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Việc nắm chắc những gì trong cái “túi” và việc phân quyền rất khó làm một cách hiệu quả nếu không có sự trợ giúp của các phần mềm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp đạt hiệu quả trong bối cảnh PLX lên sàn và hội nhập kinh tế hiện nay.