Ông Nguyễn Đồng- Giám đốc Công ty Xăng dầu B12: “40 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Xăng dầu B12 đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng cao hơn cả, đó là sự vững bước đi lên của một công ty xăng dầu đầu mối với bao trọng trách.
CôngThương -Cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu B12 đang đứng trước những thách thức và thời cơ mới, với mục tiêu phát triển năng động và bền vững hơn…”.
Quá khứ hào hùng
Để đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho chiến đấu, phục vụ sản xuất và đời sống. Chính phủ ta đã đề nghị nhà nước Liên Xô hỗ trợ xây dựng tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu đầu tiên từ bờ biển Bãi Cháy tới Vạn Điểm (bờ phải sông Hồng, Nam Hà Nội) và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 88/TTg-CN ngày 27/8/1968 phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế. Công trình mang tên B12 được thi công xây dựng từ giữa tháng 9/1969, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 27/6/1973. Cũng trong năm 1969, cùng với đường ống gốc B12, các tuyến ống dã chiến do quân đội xây dựng như T70 (Hà Nội - Vinh); T72 (Lạng Sơn - Hà Nội) được đưa vào sử dụng đã phá thế phong tỏa trên biển của Mỹ, đưa thế trận xăng dầu ở miền Bắc trở nên linh hoạt hơn.
Ngày 1/7/1973, Công ty Tiếp nhận xăng dầu Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở Ban chuẩn bị sản xuất Công trình B12 và được Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam giao quản lý, vận hành tuyến ống B12. Lúc này Mỹ đã dừng ném bom miền Bắc, chúng ta cũng đã rà phá được hàng rào thủy lôi phong tỏa cảng biển. Tuy nhiên công ty lại gặp nhiều khó khăn khác:
Tại cảng dầu, do dòng chảy mạnh các đường ống cao su nối giữa ống dưới đáy biển với tàu không chịu nổi áp lực, liên tục bị vỡ. Công ty đã cử cán bộ nghiên cứu phương thức dùng cầu phao nhập dầu ở kho Thượng Lý (Hải Phòng), để áp dụng cho việc tiếp nhận xăng dầu B12. Phương thức này được thực hiện bằng các vỏ tên lửa hàn kín để làm phao, đồng thời lắp các đoạn ống cứng và ống cao su làm khớp nối. Trong khó khăn, nhiều sáng kiến đã được đưa ra, cầu phao nhập dầu dần được hoàn thiện đã đưa các tàu dầu nước ngoài vào làm hàng an toàn.
Ngày 2/11/1973, chuyến tàu dầu 5.000 tấn được cập cảng và bơm dầu vào các kho. Dầu nhập từ các Bãi Cháy đã hòa vào hệ thống ống dẫn dầu của B12, đi tiếp vào tuyến ống T70 của quân đội, vào Trường Sơn vào Nam Bộ, góp phần vào cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Kể từ khi tuyến ống B12 đưa vào sử dụng và được giao cho Công ty tiếp nhận xăng dầu Quảng Ninh quản lý và vận hành, việc vận chuyển xăng dầu có nhiều thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Đường ống dẫn dầu của B12 về đến Phú Xuyên (Hà Tây cũ), xăng dầu được bơm sang kho của quân đội. Cục xăng dầu bơm tiếp đi theo tuyến ống T70 để vượt qua tọa độ lửa (Đại Sơn - Truông Bồn - Linh Cam). Tuyến ống còn đi tiếp vượt vĩ tuyến 17, leo cổng trời, qua các bãi bom B52 vào mặt trận. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Vai trò “yết hầu”
Từ đó tới nay, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, B12 luôn được đánh giá là “yết hầu” tiếp nhận, cung ứng toàn bộ lượng xăng, dầu nhập khẩu từ nước ngoài phục vụ các tỉnh phía Bắc với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Là thành viên lớn nhất của tập đoàn, B12 có cảng dầu tiếp nhận được loại tàu trọng tải trên 40.000 DWT, mỗi năm tiếp nhận trên 4 triệu m3 xăng dầu; trên 357 nghìn m3 kho bể được nối liên hoàn với trên 600km đường ống trải dài ở 6 địa phương, từ Quảng Ninh đến Hà Nam. Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận, lưu trữ, cung ứng, B12 còn trực tiếp kinh doanh bán lẻ xăng dầu với hệ thống 118 cửa hàng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Giám đốc Công ty B12- Nguyễn Đồng khẳng định với phóng viên báo Công Thương: “Thành quả của 40 năm là thành quả của nhiều thế hệ, vì một B12 hùng mạnh. Và điều tâm đắc nhất trong 40 năm chính là trách nhiệm và ý thức xã hội của công ty”.
Trách nhiệm xã hội ở đây, được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm nhiều nội dung. Không chỉ là các công việc xóa đói giảm nghèo, từ thiện xã hội... mà trên hết là trách nhiệm đối với khách hàng, với người tiêu dùng về giá cả, số lượng, chất lượng, phong cách phục vụ...; qua đó khẳng định uy tín của thương hiệu Petrolimex nói chung và uy tín của B12 nói riêng. Thứ đến là trách nhiệm với xã hội về vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ...
Để thực hiện trách nhiệm và ý thức với xã hội, đòi hỏi B12 phải “cách mạng” trong đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa ở mọi khâu, mọi lĩnh vực, từ cơ sở vật chất, đến công tác quản lý, điều hành, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo cho con người và hơn tất cả là đòi hỏi từ lãnh đạo, đến cán bộ, công nhân viên, người lao động B12 phải lao động, làm việc không mệt mỏi, phấn đấu không ngừng…
40 năm là chặng đường dài mà các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động của Công ty Xăng dầu B12 làm nên nhiều thành quả to lớn và tự hào trên tất cả các lĩnh vực: Đạt nhiều giải thưởng của Vifotech, Giải vàng chất lượng Việt Nam, 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 1994- 2004 và nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Công ty B12 vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. |
Trách nhiệm với tương lai
Nói về câu chuyện trách nhiệm với tương lai, Giám đốc Nguyễn Đồng cho biết, để đưa B12 tiếp tục phát triển trên mặt trận kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công nhân viên là tiếp tục phát huy lòng nhiệt huyết, chủ động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đoàn kết, khai thác một cách có hiệu quả cơ sở vật chất, kỹ thuật, viết tiếp những trang sử hào hùng và phát huy bản sắc văn hóa của Công ty Xăng dầu B12 trên chặng đường mới.
Có câu nói của một người công nhân khiến chúng tôi xúc động: “Nếu ví xăng dầu là mạch nguồn của nền kinh tế- xã hội, thì CBCNV Công ty Xăng dầu B12 là những người đang ở tuyến đầu của những mạch nguồn ấy. Ở đây, trên mỗi mét đường ống, trong từng kho hàng, bến cảng hay tại những vị trí công tác, mỗi vị trí làm việc, họ đều đang từng ngày, từng giờ, góp sức cho sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Ở đây không ai “lỗi nhịp”, ở đây mỗi người thợ thật sự trở thành người lính trên vị trí công tác của mình”…